Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp – Tiến tới bước ngoặt chiến lược

vng

Chương V

(more…)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đường xuyên Biển Đông

QĐND – Quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 15 về đường lối cách mạng miền Nam, tháng 2 năm 1959, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Tổng Quân ủy triệu tập cuộc họp bàn kế hoạch thực hiện chủ trương chi viện cho chiến trường miền Nam. Tổng Quân ủy quyết định lập Phòng Nghiên cứu hoạt động. Ngày 5 tháng 5 năm 1959, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Thường trực Tổng Quân ủy triệu tập Thượng tá Võ Bẩm phổ biến nhiệm vụ và danh xưng Phòng Nghiên cứu là “Đoàn 559”. Võ Bẩm có trách nhiệm trực tiếp tuyển cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị bộ đội miền Nam tập kết, thành lập đội quân mở đường chi viện chiến trường, đặt phiên hiệu là 301.

(more…)

Võ Nguyên Giáp trong tư duy quản trị

Ít ai biết tài dùng quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại mở đầu cuốn sách kinh tế (của Mỹ) để dạy các doanh nghiệp cách điều hành công ty.

Cuốn Phân tích chiến lược đương đại (Contemporary Strategy Analysis) của Robert Grant do Nhà xuất bản Blackwell Business tái bản lần thứ tư năm 2002, trong chương đầu tiên, tác giả đã lấy mục “Tướng Giáp và Chiến tranh Việt Nam, 1948-1975” để minh chứng cho “Vai trò quan trọng của chiến lược” đối với kinh doanh.

Trong đó, để lý giải cho câu hỏi của Đại tá Harry G.Summers Jr: “Tại sao chúng ta không thắng được mà lại thất bại thảm hại?”, tác giả viết: “Cho dù có một đội quân đông nhất Đông Nam Á, Bắc Việt Nam không thể sánh kịp với Nam Việt Nam có Mỹ, một siêu cường mạnh nhất thế giới về quân sự và công nghiệp, ủng hộ. Nam Việt Nam và đồng minh Mỹ bị đánh bại không phải vì đối phương có lực lượng mạnh hơn mà bởi vì họ có một chiến lược hơn hẳn, Bắc Việt Nam đã đạt được cái thắng lợi mà Tôn Tử coi là cao nhất, đó là: địch quân phải bỏ cuộc”. (Tẩu vi thượng sách – N.G.H).

Và rồi, Grant đã trích dẫn những bài viết của tướng Giáp và các tác giả khác nói về ông để chứng minh luận điểm trên của tác giả về chiến lược lấy trường kỳ đối đầu lại ý đồ muốn thắng mau của đối phương, lấy yếu đánh mạnh, không chấp nhận thắng bằng bất kỳ giá nào, đánh chắc, thắng chắc…

Và từ đó, trong hơn 500 trang của cuốn sách, tác giả đã phân tích các chiến lược kinh doanh, từ cách tìm “giá trị cốt lõi” (core value) của doanh nghiệp, quá trình phối hợp với thông tin, các cấp độ từ chiến lược công ty (corporate strategy) cho đại bản doanh, chiến lược kinh doanh (business strategy) cho các công ty thành viên và chiến lược chức năng (functional strategy) cho các phòng/ban…

Tác giả đã phân tích các loại chiến lược công ty và nhấn mạnh tới chiến lược luôn tạo sự khác biệt phù hợp với thế giới biến động không ngừng với tốc độ cao hiện nay và đã thành một khẩu hiệu được lấy làm tiêu đề của cuốn sách Khác biệt hay là chết.

Trong thế giới đương đại này, bên cạnh lợi thế so sánh “cứng” (có hạn) chủ yếu dựa vào vị thế, vào nguồn lực sẵn có, phải chú ý tới lợi thế so sánh “mềm” (vô hạn), dựa trên những cơ chế phù hợp do con người tạo ra nhằm sử dụng và phát triển hiệu quả ngày càng cao lợi thế so sánh “cứng” vốn có, trước tiên bằng việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm/dịch vụ và không ngừng tạo ra những cơ chế “mềm” thích ứng với sự biến động về khoa học kỹ thuật, về nhu cầu tiêu dùng với tần suất ngày càng cao như hiện nay.

Thực tế đã minh chứng nhiều nền kinh tế tuy hạn chế về lợi thế so sánh “cứng” nhưng đã vươn lên đỉnh cao nhờ lợi thế so sánh “mềm” mà điều đầu tiên phải nhắc tới là sự lựa chọn đúng đắn một chiến lược phát triển phù hợp, thông minh (SMART) (*).

Gấp cuốn sách Phân tích chiến lược đương đại lại, bên cạnh những điều, chủ yếu mang tính kỹ thuật, về phân tích chiến lược kinh doanh, thiết lập chiến lược, điều hành công ty… còn cần phải suy ngẫm thêm để ứng dụng. Người viết bài này, tuy không bao giờ hạ thấp vai trò của tập thể, muốn được chia sẻ với người đọc niềm tự hào vì đã được nhân lên, vì dân tộc chúng ta không phải chỉ có một danh tướng Võ Nguyên Giáp trong nghệ thuật chiến tranh mà nghệ thuật lãnh đạo chiến tranh của ông còn được học giả thế giới nhắc đến trong cuốn sách thuần túy về kinh tế.

Dù rằng giữa nghệ thuật quân sự và kinh tế có những đặc thù riêng, song tư duy chiến lược lại có những điều, nếu nhà hoạt động kinh tế suy ngẫm và biết vận dụng thì cũng thu được những điều bổ ích; cho dù doanh nghiệp còn nhỏ (đầu tiên chỉ có 34 người như của tướng Giáp), biết tìm ra và nuôi dưỡng cái “giá trị cốt lõi” (tinh thần yêu nước của mỗi người trong đội quân đó), biết tìm ra những phương thức hoạt động thích hợp với nguồn lực chủ quan của mình và môi trường (tinh thần yêu nước của toàn dân) và chớp lấy thời cơ thuận lợi (Nhật – Pháp đánh nhau và hành động của chúng ta…) thì doanh nghiệp đó vẫn có thể thắng được những doanh nghiệp khổng lồ do không có chiến lược phù hợp, do quản lý kém thì chẳng khác nào những tên “khổng lồ chân đất sét”.

Nguyễn Gia Hảo

————–

(*) SMART có nghĩa là “THÔNG MINH”, viết tắt của các từ sau S: Specific (Đặc thù); M: Measurable (Đo được); A: Attainable (Đạt được); R: Resources (Nguồn lực); T: Timebound (Thời hạn).

Nguồn TBKTSG

dvt.vn

Sách của Nhà sử học Pháp về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(VOV) – Một cuốn sách mới được xuất bản ghi lại những cuộc nói chuyện rất thoải mái và thân thiện giữa Đại tướng và nhà sử học Pháp Alain Ruscio trong 30 năm qua.

Mới đây, nhà sử học người Pháp Alain Ruscio cho ra mắt cuốn sách “Võ Nguyên Giáp – một cuộc đời” (Vo Nguyen Giap – Une vie) nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thông qua các cuộc trò chuyện giữa ông Alain Ruscio và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cuốn sách cung cấp những thông tin thú vị về cuộc đời của vị anh hùng dân tộc Việt Nam – từ khi là giáo viên lịch sử, cho tới khi trở thành “nhà thực tiễn cách mạng chống đế quốc Mỹ”.

Ông Alain Ruscio và Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc còn trẻ

Ông Alain Ruscio từng là phóng viên thường trú báo Nhân đạo (l’Humanité) của Pháp ở Việt Nam từ năm 1979 và đã có nhiều dịp được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. PV ĐTNVN thường trú tại Pháp phỏng vấn ông Alain Ruscio xung quanh cuốn sách này cũng như tình cảm của ông đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

PV : Thưa ông Alain Ruscio, cho tới nay, đã có nhiều cuốn sách viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên thế giới và tại Pháp, vì sao ông vẫn tiếp tục thấy cần thiết cho ra đời cuốn sách này ?

Ông Alain Ruscio: Đúng là đã có nhiều cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bản thân ông cũng đã viết hồi ký và cuốn sách này đã được dịch sang tiếng Pháp. Nhưng tôi cảm thấy một cuốn sách nữa vẫn gây được nhiều sự quan tâm của công luận, đặc biệt là vì cuốn sách này ghi lại những cuộc nói chuyện rất thoải mái và thân thiện mà Đại tướng đã dành cho tôi trong vòng 30 năm qua. Cuộc gặp đầu tiên của tôi với Đại tướng là vào năm 1979, như vậy nói chính xác là đã 32 năm. Các cuộc trò chuyện trong thời gian đó tạo tạo dựng cho tôi và Đại tướng một sự tin cậy lẫn nhau. Vì hồi đó tôi là phóng viên thường trú của báo Nhân đạo và lại là người xuất thân nghiên cứu sử, nên Đại tướng đã dành cho tôi cả những câu chuyện về gia đình ông. Chúng tôi mới quyết định thực hiện cuốn sách này từ rất gần đây thôi. Có thể nói rằng chính những điều bất ngờ trong câu chuyện làm nên tính độc đáo của cuốn sách.

Ông Alain Ruscio và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này

PV: Quả thực, cuốn sách của ông không giống một cuốn tiểu sử thông thường, bởi vì nó ghi lại các cuộc trò chuyện rất thân mật của ông với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Xin ông kể đôi điều về quá trình viết cuốn sách này?

Ông Alain Ruscio: Cuộc gặp đầu tiên của tôi với Đại tướng là nhân kỷ niệm 25 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Tôi gặp Đại tướng với tư cách là phóng viên thường trú báo Nhân đạo. Chúng tôi muốn Đại tướng kể cho độc giả người Pháp của báo về trận chiến này. Cuộc gặp ban đầu của tôi chỉ là để nói về trận Điện Biên Phủ. Có một điều rất thú vị là vào thời điểm đó, mặc dù các cộng sự của Đại tướng nói rằng ông rất bận, nhưng cuối cùng câu chuyện đã dẫn dắt cho tôi được nói chuyện với Đại tướng trong nhiều giờ. Tôi đã rất vui sướng vì được gặp con người được coi là người thân cận nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về sau, chúng tôi quyết định tiếp tục gặp nhau để nói về lịch sử, chính trị, cuộc sống. Chúng tôi cũng quyết định sau này sẽ làm thành một cuốn sách. Hồi đó, có rất ít hoặc gần như không có sách bằng tiếng Pháp về Đại tướng. Tôi đã đọc đi đọc lại bản thảo cũng như chuyển nó cho những người thân, đặc biệt là Phu nhân của Đại tướng xem. Cuốn sách hình thành như vậy, một cách rất tự nhiên.

PV: Trong nhiều năm tiếp xúc với tướng Giáp như vậy, điều gì ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp ấn tượng nhất đối với ông?

Ông Alain Ruscio: Đại tướng là một trong những vị anh hùng lớn nhất thế giới trong thế kỷ 20 nhưng lại là một người vô cùng khiêm tốn. Tôi rất thích cách ông nói về dân tộc Việt Nam, về những người dân, bộ đội Việt Nam. Ông không bao giờ đặt mình lên trước mọi người. Một điều nữa cũng làm tôi rất ấn tượng ở ông, đó là khả năng bắt chuyện rất dễ dàng. Thêm vào đó là khả năng sử dụng tiếng Pháp tuyệt vời của Đại tướng. Tôi có thể chia sẻ với Đại tướng rất nhiều sắc thái khác nhau của tiếng Pháp.

PV: Ông có kỷ niệm nào đáng nhớ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể kể với thính giả của VOV?

Ông Alain Ruscio: Như tôi vừa nói, cuộc gặp đầu tiên của tôi là một cuộc gặp kiểu cổ điển, rất chính thức do Chính phủ Việt Nam sắp đặt. Nhưng nhiều cuộc gặp sau này là tôi đề nghị và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đón tôi tại nhà riêng của ông. Thật xúc động khi được nhìn thấy con người vĩ đại này quây quần bên gia đình ông. Tôi đã từng chứng kiến cảnh một người cháu đến thăm ông, rồi ông đưa ra nhận xét và vui đùa với cháu. Chúng tôi cũng uống trà cùng nhau. Tôi có một cảm giác rất dễ chịu khi ở trong bầu không khí ấm cúng của gia đình ông. Thực sự, tôi đã rất xúc động!

PV : Xin cảm ơn ông!/.

Quang Hưng- Thùy Vân (từ Paris)

vov.vn

Tướng Giáp và “Bản Giao hưởng Điện Biên”

(VOV) – Đây là chương trình nghệ thuật “khổng lồ” kết hợp sân khấu và điện ảnh thể hiện chân thực chiến thắng Điện Biên Phủ

NSND Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL chủ trì cuộc họp báo chiều 9/5, công bố chương trình nghệ thuật “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bản Giao hưởng Điện Biên” sẽ chính thức được công diễn tại Quảng Bình vào ngày 28/5.

Đây là chương trình nghệ thuật có ý nghĩa chính trị, văn hóa chào mừng 57 năm ngày giải phóng Điện Biên (7/5/1954 – 7/5/2011), 36 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2011), chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Đồng thời, chương trình ca ngợi tài năng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng, Bác Hồ, và trực tiếp là Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là món quà có ý nghĩa chúc thọ Đại tướng bước sang tuổi 101.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh trả lời câu hỏi của các phóng viên, nhà báo

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, tác giả kịch bản đồng thời là tổng đạo diễn chương trình cho biết, quá trình chuẩn bị chương trình cách đây 3 năm, kể từ khi hình thành ý tưởng cho đến khi hoàn thiện kịch bản. “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bản giao hưởng Điện Biên” là chương trình nghệ thuật lớn kéo dài 210 phút liên tục, là sự kết hợp tài tình giữa sân khấu và điện ảnh.

Lấy đề tài giải phóng Điện Biên Phủ làm nội dung kịch bản, chương trình khắc họa, sâu sắc hơn sự lãnh đạo tài tình của Bác Hồ, của Trung ương Đảng và trực tiếp chỉ huy chiến dịch là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã hoàn thành vẻ vang chiến dịch giải phóng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.

Cũng theo tổng đạo diễn Quang Vinh, với chương trình có quy mô lớn chưa từng có từ trước tới nay, lần đầu tiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành nhân vật chính trong một sự kiện văn hóa được kết hợp giữa sân khấu và điện ảnh. Chương trình đã tập hợp một ê kip thực hiện gồm đông đảo nghệ sĩ tên tuổi của cả ba miền Bắc, Trung, Nam như NSƯT Trung Hiếu, Tiến Hợi, NSƯT Bắc Việt, NSƯT Trịnh Mai Nguyên… Đặc biệt có sự tham gia của nghệ sỹ điện ảnh Lý Nhã Kỳ.

Theo Bộ VH,TT&DL, Bộ đã giao cho Cục Nghệ thuật biểu diễn cùng Sở VH,TT&DL Quảng Bình, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam cùng đảm nhiệm vai trò trưởng Ban Tổ chức Chương trình; Công ty truyền thông Đệ Nhất Sao cam kết nguồn tài chính và tiếp nhận nguồn tài trợ, hỗ trợ trên tinh thần xã hội hóa; NSND. Họa sỹ Lê Huy Quang, NSƯT Vũ Huy đảm nhiệm thiết kế xây dựng sân khấu (1 sân khấu chính và 6 sân khấu bổ trợ); Nhạc sỹ Hoàng Anh Tú sáng tác âm nhạc; Trang phục và hóa trang do Hãng phim truyện Việt Nam đảm nhiệm.

Theo đó, kể từ ngày 14/5, toàn bộ ê-kíp sáng tạo, cùng dàn diễn viên 300 người sẽ có mặt tại Quảng Bình để bắt đầu tập dượt và ghép chương trình. Dự kiến, với thời gian 13 ngày, chương trình sẽ chạy thông suốt toàn bộ 8 lần trước khi công diễn./.

Nguyễn Quỳnh

vov.vn